Chào mừng bạn đến với website chính thức của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà

Quá trình hình thành và phát triển

Quá trình hình thành và phát triển.

 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÔNG TY VIWASUPCO

Đầu thập kỷ 21, trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp của thành phố Hà Nội thường xuyên gặp khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất do thiếu nước, cắt nước; trăn trở và đồng cảm với những khó khăn đó, các lãnh đạo của Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam đã bắt tay vào lập đề án “Dự án Nước sạch Sông Đà – Hà Nội”. Sau nhiều năm xây dựng, với những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ công nhân viên Tổng Công ty Vinaconex, Dự án nước sạch Sông Đà – Hà Nội đã được khởi công xây dựng vào ngày 24/4/2004, là một dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô lớn và sản phẩm mang tính đặc thù phục vụ xã hội. Việc xây dựng và trang bị diễn ra trong suốt 5 năm trời với bao sức lực và trí tuệ của CBCNV Ban Chuẩn bị sản xuất nhà máy nước.

Tháng 4 năm 2009 đánh dấu sự ra đời của Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex theo Quyết định số 1082/2009/QĐ-HĐQT của HĐQT Tổng Công ty Vinaconex về việc thành lập Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex; 6 tháng sau, Công ty được biết đến với mô hình là một công ty cổ phần theo Quyết định số 0061/QĐ-HĐQT của HĐQT Tổng công ty cổ phần XNK và Xây dựng Việt Nam về việc chuyển đổi Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex thành CTCP Nước sạch Vinaconex.

Chỉ qua 3 năm xây dựng và hoạt động, đến nay Công ty Viwasupco đã trở thành một doanh nghiệp điển hình của tỉnh Hòa Bình, một công ty nước có hệ thống dây chuyền công nghệ và máy móc hiện đại nhất nước, đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân thành phố Hà Nội và định hướng vươn lên trở thành công ty hàng đầu về cung cấp nước sạch của Việt Nam. Ba năm có lẽ là khoảng thời gian đủ đển xây dựng thành công một công ty nhỏ song với một công ty lớn có số vốn đầu tư ban đầu lên đến 1.500 tỉ đồng để trở thành một thương hiệu thì tưởng như là không thể. Ấy thế mà Công ty Viwasupco đã chứng tỏ được điều đó, thể hiện qua những lần đến thăm quan của hàng trăm công ty trong và ngoài nước, mạng lưới khách hàng đang ngày càng được mở rộng, các công bạn đã và đang chứng kiến sự đầu tư to lớn và phát triển bền vững của công ty.   

Với doanh thu năm 2010 đạt hơn 200 tỉ đồng, lợi nhuận dòng thu về đạt 3 tỉ đồng cùng hơn 100 nhân công làm việc từ trụ sở chính của công ty đặt tại: xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình kéo dài dọc tuyến đường Láng Hòa Lạc của thủ đô Hà Nội, Viwasupco hiện đang là công ty sản xuất nước sạch có quy mô lớn ở Việt Nam. Trong hơn 3 năm, với sự giúp đỡ của Tổng Công ty Vinaconex, sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị và bàn tay chèo lái của Ban Giám đốc, Viwasupco đã đi lên từ gian khó và đạt được những thành công nhất định, trong mỗi thành tựu đều đã ghi lại dấu mốc lịch sử trong lịch sử Vinaconex.

Năm 2008

Cho đến thời điểm này, cư dân của thủ đô Hà Nội đang sử dụng sản phẩm nước sạch Vinaconex có thể biết khó khăn của những ngày mất nước, nhưng nhiều người có thể không biết về những ngày đầu khó khăn, về ý tưởng thành lập, về những biến cố và sự kiện lớn của Công ty, của tập thể CBCNV – những người hàng ngày vẫn âm thầm lao động hết mình với hy vọng san sẻ được những khó khăn đó.

Viwasupco là một công ty khởi nghiệp trên rừng núi theo đúng nghĩa: trụ sở chính đặt trên vùng núi cao của tỉnh Hòa Bình – nơi tu cự chủ yếu của đồng bào dân tộc Mường, bên cạnh đó là dân tộc Kinh, Thái, Tày, Nùng... Chính điều kiện thiên nhiên, địa hình, sự đa dạng sắc tộc đã có ảnh hưởng lớn đến phương thức canh tác, phương thức tồn tại, các hoạt động kinh tế - xã hội của con người nơi đây. Người Mường sinh sống dựa chủ yếu vào kinh tế nương rẫy, nguồn kinh tế phụ đáng kể là khai thác lâm thổ sản, dệt vải thủ công, chăn nuôi gia súc gia cầm, làm việc dựa trên dây truyền máy móc hiện đại là việc hoàn toàn xa lạ với người dân. Ngoài ra, do sống xen kẽ với các dân tộc khác, và luôn ở trong tình trạng đời sống khó khăn, nơm nớp lo lắng về sự đồng hóa văn hóa nên ý thức cố kết cộng đồng của dân tộc Mường rất bền vững.

Tuy nhiên, với chủ trương nhất quán là: đoàn kết, bình đẳng, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc, lãnh đạo Tổng Công ty Vinaconex đã quyết định đưa các lao động trẻ ở đây đi đào tạo ở các tỉnh khác nhằm tạo đà cho sự phát triển của xã hội nói chung và của Công ty nói riêng. 

Năm 2009

Nhận ra tính ưu việt và hiệu quả rất lớn cho xã hội khi đưa vào vận hành sớm nhà máy, nhưng vấn đề đặt ra trong những ngày đầu tiên chạy thử bơm là nếu xảy ra trường hợp rủi ro nhất là lỗi biến tần từ trạm bơm hồ lên nhà máy do tháp chống va chưa hoàn thiện thì sẽ không đảm bảo an toàn, gây dừng bơm đột ngột, vỡ đường ống nước - là một thiệt hại vô cùng lớn. Nhưng trước những nhu cầu về nước sạch và bằng các tính toán cẩn thận của kỹ sư nhà máy nước Vinaconex, phương án chạy thử máy bơm cũng đã được triển khai và thành công rực rỡ.

Tuy nhiên, với công suất khi đó chỉ hơn 100.000 m3/ ngày đêm thì vẫn là con số khiêm tốn so với tính toán trên lý thuyết. Nhiệm vụ đặt ra với toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty Viwasupco trong năm sản xuất kinh doanh tiếp theo là đạt được sản lượng, công suất đúng như kỳ vọng trong báo cáo nghiên cứu khả thi, nếu những con số này được triển khai trên thực tế, thì khi đó sẽ có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của toàn bộ khu vực Tây Nam thành phố Hà Nội.

Với một công trình nước sạch đặt trên vùng núi Tây Bắc thì ý thức và lương tâm về nghề nghiệp của cán bộ công nhân viên là bài toán cần giải quyết; trong khi Tây Bắc dốc núi cao, trình độ dân trí còn hạn chế thì khi công trình hoàn thành và đưa vào vận hành cũng cần một đội ngũ nhân công vận hành đạt đủ điều kiện để thao tác với các thiết bị hiện đại của chính công trình ấy. Vậy là một chương trình đào tạo quy mô và bài bản đã được thực hiện, dự án đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người…Bức tranh của vùng núi Kỳ Sơn, Hòa Bình có điều kiện khởi sắc.  

Năm 2010

Bên cạnh mục tiêu duy trì cung cấp nước ổn định, bảo đảm an toàn chất lượng nước sạch, áp lực tăng vốn điều lệ đã khuyến khích Tổng Công ty Vinaconex chuyển nhượng cổ phần cho các cổ đông khác, tạo nên một nguồn vốn dồi dào cho Công ty hoạt động và sản xuất, vốn góp thay đổi như sau: Vinaconex sở hữu 255 tỷ đồng, Công ty Acuatico sở hữu 218 tỷ đồng, Vinaconsult nắm giữ 1 tỷ đồng, Viwaco đồng thời là khách hàng chính nắm giữ 1 tỷ đồng và 25 tỷ được sở hữu bởi các cổ đông khác.

Công suất tăng lên hơn 120.000 m3/ ngày đêm, sản lượng nước bán ra là hơn 23 triệu m3/năm đã đánh dấu mức tăng trưởng, khẳng định chiến lược đầu tư và kinh doanh đúng đắn.

Năm 2011

Bất chấp những khó khăn trên thị trường tài chính, lạm phát quay trở lại, mặt bằng lãi suất cao, Công ty vẫn tiếp tục những bước đường kinh doanh của mình. Qua từng tháng, Viwasupco đều mở rộng được mạng lưới khách hàng bằng cách tiếp xúc từng điểm dân cư, từng dự án có nhu cầu sử dụng nước. Tận dụng những khách hàng đã đăng ký và chấp nhận lắp đặt đấu nối vào mạng nội bộ của khách hàng với giá rẻ… Ngoài khách hàng chính là Viwaco, công ty còn kết nối với nhiều khách hàng tiềm năng khác có thể kể đến như: Công ty Hà Đô, Công ty cấp nước Hà Đông, Công ty CP Địa chất và nhiều công ty khác.

Tính đến cuối năm 2011, cơ cấu tổ chức của Công ty gồm 04 Ban chức năng, 04 Trạm Đội, Phân xưởng trực tiếp sản xuất. Tổng số CBCNV là 130 người trong đó trình độ đại học là 26 người, cao đẳng trung cấp là 12 người, công nhân kỹ thuật là 91 người, 1 lao động phổ thông.

Tóm lại, với đà phát triển như hiện nay cùng sự nỗ lực hết mình của CBCNV, Công ty Viwasupco đang và sẽ hoàn thành được sứ mệnh về kinh tế và xã hội của mình, thực hiện thành công nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, vận hành, cung cấp nước sạch cho thành phố Hà Nội, chuỗi đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn… từ đó tạo động lực cho sự phát triển của ngành nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Nếu nhà máy thủy điện Hòa Bình mở đầu cho cuộc chinh phục sông Đà, thì nay, với sự tận dụng nguồn lực của chính dòng sông này, Công ty Viwasupco đang viết tiếp trường ca chinh phục sông Đà.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận